Tọa đàm “Chống hàng nhái, ai bảo vệ doanh nghiệp?”
Thông tin thị trường
  • Tác giả: Thi Hồng - Thanh Hải
  • 28-04-2017
  • Lượt xem: 3813
  • Chia sẻ:

(SGGP) Theo nhận định từ các doanh nghiệp (DN), cuộc đấu tranh chống hàng nhái, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ hiện nay tại nước ta vẫn “rối như tơ vò”. Khi DN đụng chuyện thường lúng túng, không biết gõ cửa để kêu ở đâu, dù rằng hệ thống văn bản pháp luật có nhiều. Để tìm hướng ra, gỡ rối cho DN trước thực tế trên, ngày 27-4, Báo SGGP đã phối hợp các cơ quan chức năng tổ chức Tọa đàm “Chống hàng nhái, ai bảo vệ doanh nghiệp?”. 

 
Tiếp tay cho sai phạm?
 
Tại tọa đàm, một số DN đã bức xúc vì nộp rất nhiều đơn khiếu nại, kêu cứu về hàng nhái, hàng xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp (SHCN) nhưng vẫn chưa được giải quyết. Chính vì phải liên tiếp đeo bám, theo dõi kiện tụng đã khiến DN mệt mỏi trong cuộc chiến tự bảo vệ chính mình. 
 
Đại diện Công ty Liên doanh bột quốc tế (Intermix), ông Nguyễn Minh Trí bức xúc: “Cứ sau mỗi lần cơ quan chức năng kiểm tra, DN vi phạm lại thừa nhận sai phạm, hứa thu hồi sản phẩm, nhưng rồi đâu lại vào đó. Sản phẩm xâm phạm quyền SHCN vẫn tiếp tục tung ra thị trường. Càng khó hiểu hơn khi ngày 7-4 vừa qua, lãnh đạo Sở Công thương tỉnh Vĩnh Long còn ký văn bản số 433/SCT-QLCN chấp thuận cho đơn vị vi phạm là Công ty Liên doanh bột Sài Gòn (Vinamix) tiếp tục sử dụng các mẫu bao bì sai phạm đến hết 30-9-2017, bằng cách dán băng dính màu đen lên hình logo xâm phạm quyền SHCN, với lý do: “thực hiện Nghị quyết 02-NQ-CP ngày 7-1-2013 của Chính phủ nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN. Đây là một quyết định “tưởng như đùa nhưng lại hoàn toàn có thật. Không rõ vì lý do gì, lãnh đạo Sở Công thương tỉnh Vĩnh Long lại lấy nghị quyết của Chính phủ tháo gỡ khó khăn cho DN làm ăn chân chính, đem đi vận dụng cho đơn vị bị kiểm tra vì làm hàng nhái?”.  
 
Ông Cao Tiến Vị, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần giấy Sài Gòn, phản ánh: Công ty có mặt trên thị trường được 20 năm thì mất 15 năm chống hàng giả, hàng nhái. Công ty dành khoảng 20% chi phí cho xử lý nước thải, bảo vệ môi trường, đóng thuế các loại… Trong khi đó, các xưởng sản xuất giả mạo nhỏ lẻ không phải bỏ tiền cho các chi phí trên nên gom hết lợi nhuận. Ông Cao Tiến Vị dẫn chứng: “Từ năm thứ 5 trở đi, khi công ty có thương hiệu cũng là lúc phải chống hàng giả. Trước đây mẫu mã bao bì xấu, nhòe, nay giả tinh vi hơn với mẫu mã đẹp, sắc nét hơn. Nhiều bao bì giả in công khai. Điều này khiến DN rất khó khăn. Nhà nước khuyến khích các DN khởi nghiệp, nhưng thống kê chưa đầy đủ của một số cơ quan chuyên trách cho thấy, có đến 90% DN khởi nghiệp thất bại. Vậy tại sao Nhà nước, Chính phủ không tập trung hỗ trợ cho những DN đã có uy tín như chúng tôi trong cuộc chiến chống hàng giả, hàng nhái?” 
 
Cần đơn giản quy trình xử lý 
 
Chia sẻ về những nỗ lực của cơ quan chức năng trong việc xử lý hàng giả, hàng nhái trong thời gian qua, ông Nguyễn Thanh Nguyên, Đội trưởng Đội 7, PC46 Công an TPHCM, thông tin, tính riêng trong năm 2016, PC46 đã xử lý 32 vụ hàng giả, chuyển cơ quan điều tra đề nghị khởi tố 19 vụ. Từ đầu năm 2017 đến nay, đã xử lý 10 vụ hàng giả, đề nghị cơ quan chức năng khởi tố 3 vụ. Tuy nhiên, trong các quy định hiện hành, nhiều nghị định, thông tư còn những từ ngữ chưa rõ ràng, không biết thế nào để vận dụng. Do vậy, cơ quan chức năng thực thi nhiệm vụ lúng túng, không thống nhất được trong cách xử lý. Nên chăng, cần thống nhất và sửa luật, nghị định cho dễ hiểu và rõ ràng hơn để cơ quan thực thi dễ vận dụng.  
 
Tính riêng trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp, các đơn vị có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính bao gồm: Thanh tra khoa học và công nghệ, thanh tra thông tin và truyền thông, quản lý thị trường, hải quan, công an, UBND cấp tỉnh, cấp huyện... Luật sư Trương Thị Hòa gợi ý, nên chăng có thể gom về cùng một đầu mối để xử lý hàng nhái, hàng giả, hỗ trợ DN. “Thủ tục khiếu kiện dài dòng, nội chuyện giám định không thôi cũng là cả một vấn đề. Thực tế, nhiều cơ quan chuyên trách (QLTT, công an…) ngại đụng chạm do không rành rẽ về pháp luật. Nếu vậy tôi đề xuất Đoàn luật sư TPHCM cùng ký kết liên tịch với Chi cục Quản lý thị trường TPHCM trong việc hỗ trợ về pháp lý cho cán bộ”, luật sư Trương Thị Hòa nói. Bên cạnh đó, Luật sư Trương Thị Hòa cũng kiến nghị nên rà soát lại các văn bản luật vì nhiều điều luật soạn thảo đã quá lâu, không còn phù hợp thực tế. “Ngay trong Đoàn Luật sư, chúng tôi cũng sẽ kiến nghị để nhắc nhở những văn phòng luật sư tiếp tay bảo vệ, thậm chí tư vấn cho những đơn vị cố tình vi phạm hàng giả, hàng nhái, gian lận thương mại, lách luật để qua mặt cơ quan chức năng”, luật sư Trương Thị Hòa nhấn mạnh.  
 
Bàn thêm về việc hỗ trợ DN chống hàng nhái, ông Nguyễn Thanh Hồng, Trưởng phòng Thực thi và giải quyết khiếu nại, Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ, cho rằng, hiện nay trình độ dân trí được nâng cao, đặt ra nhiều vấn đề trong việc xử lý hàng giả, hàng nhái trên thị trường. Tuy vậy, nhìn vào con số xử lý trong thời gian vừa qua, dễ thấy rất hiếm có các vụ bị xử phạt ở mức tối đa (500 triệu đồng), mà hầu như chỉ phạt kiểu “bắt cóc bỏ dĩa”. Đồng quan điểm với ông Nguyễn Thanh Hồng, ông Võ Hưng Sơn, Phó Phòng Sở hữu trí tuệ, Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM, cho rằng, vấn đề cần tranh luận, đi sâu để giải quyết được nguồn cơn vụ việc chính, thay vì chỉ đi đến gõ cửa tại các cơ quan chức năng thì DN cần tìm đến sự hỗ trợ giải quyết bằng con đường tòa án. Đây là con đường mà các DN ở những quốc gia trên thế giới đang tiến hành. Một số ý kiến cũng cho rằng nên công khai các DN vi phạm sản xuất hàng giả, hàng nhái lên các phương tiện truyền thông đại chúng để đẩy mạnh tính răn đe.
 
* Ông Trần Hùng, Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia: Lo sợ mất uy tín
 
Những bức xúc trong gian lận thương mại, những khó khăn trong xử lý của cơ quan thực thi… Chính phủ đều đã nhìn thấy và nhận định đó là vấn đề nghiêm trọng. Vừa qua, Chính phủ đã quyết định tăng cường nhân lực cho bộ máy, đã bổ sung Viện Kiểm sát vào Ban Chỉ đạo Quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (389). Chính phủ rất quyết tâm trong xử lý tệ nạn này. Cùng với sự phát triển của khoa học công nghệ, hàng giả, hàng gian lận thương mại đã len lỏi vào mạng bán hàng online. Biến tướng của hàng giả, hàng xâm phạm quyền SHCN ngày càng tinh vi. Đừng để tình trạng chờ trung ương về mới xử lý được. Các địa phương cần nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu.  
 
* Ông Nguyễn Thanh Hồng, Trưởng phòng thực thi, giải quyết khiếu nại thuộc Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học - Công nghệ: Quản lý chặt ngành in ấn bao bì
 
Vì sao hàng giả, hàng xâm phạm SHCN, sở hữu trí tuệ không giảm? Có nguyên nhân từ luật của ta xử lý còn nhẹ, trong khi tệ nạn này gây ra hậu quả rất nghiêm trọng. Theo tôi, phải nâng lên xử lý hình sự để răn đe thì tệ nạn này mới giảm. Ngoài ra, DN sai phạm bắt buộc phải bồi thường và có chế tài nặng chứ không thể thương lượng như hiện nay. 
 
Trước đây, việc kiểm soát các cơ sở in ấn rất chặt chẽ, gần đây tháo khoán, nên kiến nghị các cơ quan chức năng cần siết chặt quản lý khâu in ấn bao bì. Không in bao bì được, làm sao làm hàng giả, hàng nhái được? Các nước trên thế giới ít có tình trạng này do xử lý nặng, đặc biệt khi phát hiện hàng giả, không chỉ người làm hàng giả bị xử lý mà nơi in ấn bao bì cũng bị tội tiếp tay cho gian lận thương mại. Đã đến lúc luật của chúng ta trong xử lý gian lận thương mại cần tiệm cận với luật thế giới, như vậy sẽ hạn chế ngay tình trạng hàng giả, hàng nhái. 
    
* Luật sư Trương Thị Hòa: Lập đường dây nóng phản ánh hàng giả, hàng nhái 
 
Luật Xử lý gian lận thương mại, hành vi cạnh tranh không lành mạnh có rất nhiều, nếu thống kê thì không dưới 10 luật. Cơ quan thi hành luật cũng có nhiều, từ Quản lý thị trường, Thanh tra KHCN, Ban chỉ đạo 389, Công an kinh tế… Theo tôi đừng có quá nhiều luật mà chỉ nên tóm gọn lại một luật giao hẳn cho một đầu mối, đồng thời thay đổi luật cho phù hợp với cơ chế thị trường thì sẽ đỡ rối, chồng chéo khi làm việc. Ví dụ, khi đơn vị đầu mối thấy có DN làm giả, nhái có dấu hiệu hình sự phải chuyển ngay cho cơ quan công an điều tra. Mặt khác phải tuyên truyền pháp luật, đạo đức kinh doanh cho DN. Việt Nam phần lớn là DN vừa và nhỏ. Họ không có bộ máy pháp lý, do vậy, rất cần thiết lập đường dây đường nóng chống hàng giả, hàng nhái và bên cạnh đó phải có một kênh thông tin trên truyền thông để DN đã được bảo hộ đăng tải sản phẩm bị làm giả, nhái cho người dân biết.

 

 

 

0 bình luận Viết bình luận
tin liên quan
Tin mới nhất
THÔNG BÁO KẾT QUẢ CHƯƠNG TRÌNH "KHAI XUÂN PHÚ QUÝ – LÌ XÌ HẾT Ý 2024" 16-03-2024 | Tin Tức Công Ty

140 Lượt xem

0 bình luận

THÔNG BÁO VỀ QUYỀN RIÊNG TƯ 11-01-2024 | Điều khoản sử dụng

840 Lượt xem

0 bình luận

tin nổi bật
THÔNG BÁO KẾT QUẢ CHƯƠNG TRÌNH "KHAI XUÂN PHÚ QUÝ – LÌ XÌ HẾT Ý 2024" 16-03-2024 | Tin Tức Công Ty

140 Lượt xem

0 bình luận

Thông báo kết quả trúng thưởng chương trình “Hái Lộc Đầu Xuân Năm 2022” 10-03-2022 | Tin Tức Công Ty

2338 Lượt xem

0 bình luận

THÔNG BÁO PHÁT HÀNH HOÁ ĐƠN 14-12-2021 | Tin Tức Công Ty

2685 Lượt xem

0 bình luận

tin được xem nhiều nhất
Ngành giấy tăng trưởng mạnh 07-11-2013 | Thông tin thị trường

65520 Lượt xem

0 bình luận

Nguyên liệu ngành giấy: Thiếu nhưng vẫn lãng phí 29-11-2010 | Thông tin thị trường

41038 Lượt xem

0 bình luận

Lựa chọn xanh vì cuộc sống tốt đẹp hơn. 24-11-2011 | Hoạt động công ty

30123 Lượt xem

0 bình luận

tin theo danh mục
TIN TỨC THEO NĂM